Không đóng bộ trong những bộ suit cứng nhắc, già dặn, tiếp chúng tôi là một Nguyễn Thiện Khải với phong cách ăn mặc thoải mái cùng lối nói chuyện dễ gây thiện cảm. Nếu không biết trước anh là một doanh nhân, mọi người sẽ dễ nghĩ người đàn ông trẻ trung này là một người hoạt động trong showbiz hoặc một nhà hoạt động xã hội năng nổ vì tinh thần sôi nổi và phong cách đầy nhiệt huyết khi anh chia sẻ về mình. Vâng! doanh nhân đó chính là Nguyễn Thiện Khải – Ceo Đại Lợi Phát Group.
Anh nghĩ sao việc mình làm chủ doanh nghiệp gia đình? Và đâu là cách để anh có thể củng cố sự tự tin đó của mình?
Nhiều người cho rằng làm việc ở doanh nghiệp gia đình là lợi thế hơn người. Nhưng không, lợi thế duy nhất của tôi ở đây là có được sự ủng hộ của gia đình, trong đó có Ba mẹ và vợ tôi. Tôi luôn cố gắng làm tốt nhất bổn phận và trách nhiệm của mình là người đứng đầu đầu trong Công ty. Với tôi một người lãnh đạo giỏi là người luôn sẵn sàng đối mặt và giải quyết mọi chuyện, từ vấn đề tài chính, makerting, sự kiện, sáng tạo, quản trị nhân sự… Nhưng để doanh nghiệp được vận hành tốt, bạn phải làm sao để tất cả các bộ phận hiểu rõ nhiệm vụ của mình và phối hợp thật ăn ý. Trong việc làm chủ và hơn hết là làm lãnh đạo một tổ chức, tôi cần cho những “cộng sự” của mình thấy rõ lý tưởng chung, để họ thấy được họ là một phần tất yếu trong cả tập thể vững mạnh. Tất cả phải có thể cùng nhau nếm trải vấp ngã, kinh qua thất bại. Và khi thành công, tất cả cũng sẽ ăn mừng cùng nhau.
Với phạm vi hoạt động của Đại Lợi Phát Group trong nhiều lĩnh vực khác nhau, anh làm thế nào để có thể quản lý hết công việc của mình?
Đối với từng công việc, tôi xây dựng một quy trình thực hiện riêng biệt, trách nhiệm và công việc cụ thể phân chia cho từng cấp bậc. Cách quản lý này sẽ đảm bảo việc nắm được từng chi tiết công việc, nhưng không mất thời gian can thiệp quá sâu hay “tỏ ra” đang kiểm soát công việc của từng nhân viên. Nhưng có lẽ khó khăn nhất là việc học cách quản lý từng tính cách khác nhau của nhân viên. Với mỗi kiểu tính cách, nên có sự linh hoạt trong điều hành để nhân viên có thể phát huy tối đa hiệu quả và thái độ làm việc. Bên cạnh đó, tôi cho rằng triết lý quản lý cũng là điều rất quan trọng. Tôi luôn tìm cách hỗ trợ đội ngũ nhân viên, cho họ tự do phát triển thế mạnh riêng, sau đó chứng kiến quá trình thăng tiến của họ ngay từ những ngày đầu.
Thành công của mỗi doanh nghiệp, dù nhỏ hay lớn đều đến từ việc người quản lý có thể lắng nghe tất cả vấn đề từ nhân viên mỗi ngày. Để làm được điều đó, chúng tôi hình thành các kênh thông tin bằng cách ứng dụng công nghệ cho hoạt động
này ví dụ như những công cụ hỗ trợ giao tiếp qua internet như Viber, Zalo, Skype hay Facebook. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ phát triển mạng nội bộ để mọi nhân viên có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn. Tôi mong muốn tất cả nhân viên đều có thể tương tác với nhau, gần gũi như bạn bè. Nhưng phương thức giao tiếp tốt nhất vẫn là nói chuyện trực tiếp, quan sát công việc thường ngày để có thể hiểu về những khó khăn và suy nghĩ của họ. Tôi vẫn luôn cố gắng dành thời gian để duy trì thói quen quản lý này.
Thành công thì ít được nhìn nhận, tuy nhiên thất bại lại hiển hiện rất rõ và dễ lan truyền. Anh đối mặt với thất bại như thế nào và làm gì để vượt qua cảm giác đó?
Với tôi thất bại là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Vấp ngã mang đến áp lực và đôi khi khiến chúng ta nghĩ rằng bản thân chưa cố gắng đủ nhiều. Nhưng cho dù tưởng như đất trời sụp đổ vào ngày hôm trước, ta vẫn phải thức dậy vào ngày hôm sau và tiếp tục sống cuộc đời mình. Đừng để nỗi buồn khiến bạn ngừng yêu cuộc sống. Thất bại không phải là điểm dừng cuối cùng, mà là câu hỏi đặt ra để chúng ta xem xét nên bước đi những bước kế tiếp như thế nào. Sự phiền muộn thật sự là một thử thách về cảm xúc. Nhưng khi bạn đủ mạnh mẽ để vượt qua và đạt được những thành công lớn hơn, bạn sẽ hạnh phúc khi thất bại đã dần chuyển thành kết quả đầy ngọt ngào. Những lúc như vậy, tôi thường tự rút ra những bài học và nhắc nhở bản thân đừng gây ra sai lầm tương tự, đặc biệt tôi sẽ tham gia các hoạt động thể thao và sự kiện cộng đồng nhiều hơn để gặp gỡ, kết nối với mọi người và khiến tinh thần trở nên tích cực hơn. Bạn không cần phải xấu hổ và ngại ngùng khi dám chấp nhận những thử thách để bản thân hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Nói về những áp lực công việc và gia đình, anh đối mặt như thế nào về điều này và làm thế nào để chứng minh năng lực của bản thân?
Dù là áp lực trong công việc hay cuộc sống, tôi nghĩ đó chỉ là thử thách chứ không phải là áp lực. Vì tôi biết rõ sự nghiệp và cuộc sống riêng của bản thân. Tôi quan niệm phải luôn thử thách chính mình trong cuộc sống, và tin tưởng vào con đường đã chọn. Những điều tốt nhất mà gia đình đã dành cho tôi chính là cơ hội học tập, giúp tôi tìm thấy cơ hội và cho tôi thấy giá trị của thái độ làm việc chăm chỉ. Tôi chấp nhận thử thách, cố gắng từng ngày với sự ủng hộ và tin tưởng của cả gia đình mình. Đứng ở vị trí của tôi, gia đình không hề là áp lực bắt buộc tôi phải chứng minh bản thân, mà là nguồn sức mạnh ủng hộ và giúp tôi vượt qua khó khăn trong công việc.
Cảm ơn anh về những chia sẻ rất đáng trân trọng!