8 vai trò của người lãnh đạo thời đại mới trong doanh nghiệp

8 vai trò của người lãnh đạo thời đại mới trong doanh nghiệp

Tổng hợp 8 vai trò của người lãnh đạo mà quản lý doanh nghiệp cần nắm rõ để hoàn thành tốt công việc và phát triển tổ chức bền vững.

8 vai trò của người lãnh đạo thời đại mới trong doanh nghiệp

Dù ở vị trí quản lý cụ thể gì, lãnh đạo chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Ở cương vị trưởng nhóm, bạn phải học cách đặt mình vào vị thế của nhiều người khác nhau và đáp ứng nhu cầu của họ – không chỉ với các thành viên trong nhóm, mà cả với cấp quản lý cao, khách hàng cũng như đối tác đang sử dụng/cung cấp sản phẩm & dịch vụ của mình.
Mỗi người có một phong cách lãnh đạo , triết lý và chiến lược hành động khác nhau trong quản lý công ty/ đội nhóm. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo thực sự luôn phải luôn đảm đương những vai trò nhất định để hoàn thành tốt công việc, đảm bảo tiến bộ và hiện thực hóa tầm nhìn cá nhân cũng như doanh nghiệp.

8 vai trò của người lãnh đạo

Sau đây là những vai trò chủ đạo của cấp lãnh đạo doanh nghiệp.

Lập chiến lược

Vai trò của người lãnh đạo – trước hết – là phát triển kế hoạch cho công ty, bao gồm công việc mà từng thành viên trong nhóm phải làm. Trách nhiệm của bạn là vạch ra các mục tiêu cụ thể cho doanh nghiệp, xác định các bước cần thực hiện để đạt được những mục tiêu đó. Lấy ví dụ:

  • Bạn có muốn tăng doanh số bán hàng không?
  • Bạn đang tìm cách sắp xếp hợp lý lại các quy trình?
  • Có lĩnh vực, sản phẩm hoặc phòng ban cụ thể nào mà bạn muốn cải thiện không?

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định những số liệu sẽ sử dụng để đánh giá tiến độ đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra. Đây sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược và các bước hành động chi tiết.

Giao tiếp

Khả năng giao tiếp là yêu cầu rất quan trọng đối với lãnh đạo ở mọi cấp bậc – cũng như với nhân viên ở mọi giai đoạn phát triển sự nghiệp. Cấp lãnh đạo cần biết cách truyền đạt ý tưởng cho nhân viên, công chúng và quản lý cấp trên. Quá trình giao tiếp sẽ diễn ra một cách thường xuyên dưới đa dạng hình thức – từ trao đổi trực tiếp, gửi email, tham gia họp, nói chuyện điện thoại, v.v.. Dù bạn là người quản lý mới đang lên kế hoạch cho công ty, thực hiện chiến lược thay đổi trong tổ chức, hay chỉ đơn giản là truyền đạt các thủ tục và kỳ vọng hàng ngày, giao tiếp hiệu quả luôn và tạo ảnh hưởng tích cực là một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất.

Đổi mới

Cấp lãnh đạo không đơn thuần vươn lên dẫn đầu chỉ vì sở hữu kỹ năng chuyên môn. Năng lực đổi mới và sáng tạo cũng đóng vai trò không thể thiếu. Nhà lãnh đạo giỏi không chỉ làm việc theo cách mà họ luôn làm, hay để nhân viên tự chịu trách nhiệm. Thay vào đó, họ liên tục phát triển những ý tưởng mới. Không phải tất cả mọi ý tưởng của bạn sẽ thành công, nhưng hãy nhớ: thất bại là một phần của quá trình đổi mới. Để doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh, cần phải có sự thay đổi – và vai trò của người lãnh đạo là dẫn dắt sự thay đổi đó.

Hướng dẫn

Định nghĩa của lãnh đạo là “truyền cảm hứng, ảnh hưởng và hướng dẫn người khác tham gia vào nỗ lực chung”. Các nhà lãnh đạo giỏi không chỉ ra lệnh hoặc đưa ra chỉ thị mà không kèm theo lời giải thích. Thay vào đó, họ sử dụng kỹ thuật giao tiếp và tạo động lực để tạo điều kiện thuận lợi cho đội nhóm. Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng sẽ nhận lại được ý kiến đóng góp từ nhân viên, cập nhật thông tin cho các thành viên trong nhóm, đưa ra phản hồi kịp thời và cụ thể về hiệu suất công việc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đào tạo, cũng như nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm của cấp dưới.

vai trò của người lãnh đạo

Huấn luyện

Các nhà lãnh đạo tài năng luôn cố gắng tạo cơ hội cho nhân viên “tỏa sáng”. Một phần của việc trở thành trưởng nhóm hoặc lãnh đạo công ty là huấn luyện (coaching) nhân viên phát triển trong vai trò của họ. Cụ thể, bạn sẽ cần đưa ra phản hồi – cả phản hồi tích cực khi họ làm điều gì đó đặc biệt tốt, cũng như góp ý mang tính xây dựng khi bạn nhận thấy họ cần cải thiện một kỹ năng hoặc công việc – đồng thời định hướng và chia vui cùng họ.

Cần lưu ý, nhà lãnh đạo không nhất thiết phải nói quá nhiều. Thay vào đó, bạn hãy chú ý đặt câu hỏi , lắng nghe và quan sát nhiều hơn. Hãy đảm bảo rằng bạn thực sự biết lắng nghe tiếng nói của nhân viên dưới quyền.

Phân công công việc

Ở cương vị lãnh đạo, điều chúng ta cần tuyệt đối tránh là chơi trò “ngựa hoang trên cánh đồng vắng”. Nói cách khác, bạn phải ý thức rõ vai trò của làm việc nhóm, những thời điểm cần ủy quyền công việc cho các thành viên khác.

Mỗi chúng ta đều bị hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định. Là người lãnh đạo, bạn cần nhận ra khi nào người khác có thể đảm đương một nhiệm vụ hoặc dự án tốt hơn mình. Đừng quên: nhân viên của bạn cần được học hỏi để phát triển và trở thành nhà lãnh đạo tương lai. Bạn cần cho họ cơ hội phát triển kỹ năng – ngay cả khi bạn có thể làm mọi thứ một mình.

Một vai trò khác của người lãnh đạo là quản lý thời gian hiệu quả. Nếu phần lớn thời gian của bạn đang sử dụng để giải quyết khiếu nại và phản ứng với các vấn đề, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn chưa ủy quyền hiệu quả hoặc trao quyền cho các thành viên trong nhóm.

Chuyển đổi để thích ứng

Hành trình quản lý không phải là một con đường suôn sẻ. Tất cả các vị trí lãnh đạo đều yêu cầu mức độ linh hoạt nhất định. Nếu một kế hoạch không diễn ra theo hướng mong đợi, bạn cần phải nhận ra điều đó và biết cách thay đổi chiến lược khi cần thiết. Không ai thích thừa nhận thất bại, nhưng một phần của việc trở thành lãnh đạo là bạn phải ngừng lãng phí thời gian và nguồn lực khi không cần thiết.

Học cách thích nghi với môi trường thay đổi cũng là một vai trò của người lãnh đạo. Đôi khi, xu hướng thị trường buộc doanh nghiệp phải thay đổi theo thời đại. Chẳng hạn, công nghệ mới đang dần thay đổi cách thức làm việc chung. Với tư cách người dẫn đầu, bạn cần đảm bảo công ty luôn sẵn sàng theo kịp xu hướng mới.

vai trò của người lãnh đạo

Networking

Xây dựng quan hệ (Networking) là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của nhà lãnh đạo. Dù ở vị trí và chức năng cụ thể nào, vai trò của người lãnh đạo là không ngừng quảng bá công ty và các giá trị của nó. Ý nghĩa của networking không chỉ để phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp – mà còn là yêu cầu quan trọng trong hành trình phát triển bản thân.

Bí quyết networking

  • Tham dự các sự kiện trong ngành.
  • Tham gia vào các sự kiện của công ty, ngay cả khi bạn thấy không cần thiết đối với mình. Các thành viên khác có thể đang mong đợi bạn tham gia buổi họp mặt hàng tuần – và việc bạn vắng mặt sẽ tạo ấn tượng không tốt về bạn, cũng như mức độ cam kết của bạn với nhân viên.
  • Tìm kiếm cơ hội học tập cải thiện kỹ năng.
  • Dự các hội nghị, hội thảo và khóa học phát triển chuyên môn. Những sự kiện này không chỉ góp phần xây dựng kỹ năng mới hoặc trau dồi những kỹ năng hiện có – mà còn giúp mở rộng mạng lưới chuyên môn thông qua việc gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong ngành.

Lời kết

Lãnh đạo chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng – việc phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau vào từng thời điểm nhất định có thể khiến bạn rơi vào tình trạng “quá tải”. Thế nhưng, việc bạn nỗ lực xoay sở gánh vác trách nhiệm sẽ là cơ sở mang lại thành công lớn cho cả bản thân, nhân viên và doanh nghiệp. Do đó, hãy thực hiện vai trò của người lãnh đạo một cách nghiêm túc – và phần thưởng bạn nhận lại sẽ không thể kể xiết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.